Nhật Bản bỏ quy định nhập cảnh giới hạn thị trường khách quốc tế kể từ ngày 11/10. Cho phép khách du lịch độc lập nhập cảnh, nối lại chính sách miễn thị thực (visa) và bãi bỏ hạn mức khách đến hàng ngày. Trước đó trong tháng 8, du khách Việt Nam tới Nhật Bản đông nhất.

Động thái mở “rộng cửa” gần như thời trước Covid-19 này của Nhật Bản, được cho là đáp ứng mong đợi từ lâu của đông đảo khách du lịch quốc tế và ngành du lịch Nhật Bản. Nó càng có ý nghĩa hơn bởi diễn ra trước thềm cao điểm du lịch mùa Thu, hứa hẹn sẽ thu hút thêm nhiều du khách quốc tế đổ tới sau 2 năm rưỡi Nhật Bản áp dụng các quy định nghiêm ngặt phòng chống Covid-19.

“Chúng tôi sẽ loại bỏ giới hạn về số lượng người nhập cảnh vào đất nước và cũng sẽ chấp nhận du lịch cá nhân và du lịch miễn thị thực” – Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo trong cuộc họp báo hôm 22/9 tại New York, khi ông tới Mỹ tham dự khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Theo đó, kể từ ngày 11/10 Nhật Bản nối lại chính sách miễn thị thực (visa), như đã áp dụng cho du khách đến từ 68 quốc gia và khu vực đi du lịch ngắn hạn từ thời trước Covid-19; bao gồm cả với du khách đến từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hongkong, Mỹ…

Nhờ tài nguyên văn hóa và cơ sở hạ tầng sân bay, Nhật Bản được xếp ở vị trí thứ nhất trong Chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, được công bố hồi tháng 5/2022. Nay Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển thông qua du lịch, tận dụng lợi thế đồng Yên giảm giá khiến Nhật trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với khách du lịch quốc tế thời “hậu Covid-19”.

Cũng theo thông báo hôm 22/9 của Thủ tướng Kishida, Chính phủ Nhật Bản sẽ khởi động chương trình kích cầu, giảm giá du lịch trên toàn quốc (chương trình vốn bị gác lại do sự lây lan của dịch bệnh Covid-19).

Nhật Bản dần nới lỏng các quy định hạn chế biên giới kể từ tháng 6, mở màn với việc đón những khách du lịch tham gia các tour có hướng dẫn viên. Tiếp đó từ ngày 7/9 Nhật Bản cho phép nhập cảnh cả những khách đi du lịch trọn gói nhưng không có hướng dẫn viên (chỉ cần đặt vé máy bay và nơi lưu trú thông qua một hãng du lịch có đăng ký).

Du khách Việt Nam chiếm số lượng đông nhất đến Nhật Bản trong tháng 8/2022

Giới hạn số khách nhập cảnh Nhật Bản hàng ngày đã được gia tăng dần trong 6 tháng, với mức đầu tiên từ ngày 1/3 là 5.000 khách lên 50.000 người/ngày hiện nay. Và kể từ 7/9 Nhật Bản cho phép nhập cảnh cả khách du lịch nước ngoài đi theo các tour trọn gói không có hướng dẫn viên.

Tuy nhiên những động thái đó vẫn chưa đủ, bởi nhiều khách du lịch nước ngoài muốn tự do hơn trong các chuyến đi của họ. Các công ty du lịch cũng đã thúc giục Chính phủ Nhật Bản nối lại chính sách miễn visa (thị thực) cho khách du lịch, bởi đây là một trở ngại với tất cả những người muốn đến Nhật Bản.

Năm 2019 Nhật Bản đón số khách du lịch quốc tế kỷ lục – 31,88 triệu người. Con số này giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 250.000 khách đến năm 2021. Năm 2022, theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) được công bố hôm 21/9, Nhật Bản đã đón vượt mức 100.000 khách nước ngoài trong tháng thứ 5 liên tiếp – vào tháng 8 – sau khi tiếp tục nới lỏng biện pháp kiểm soát biên giới.

Tổng số khách đến Nhật Bản trong tháng 8/2022 là 169.800 người – cao gấp 6,6 lần so với tháng 8/2021 nhưng vẫn giảm 93,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên đa số khách đến là doanh nhân, sinh viên quốc tế hoặc thực tập sinh kỹ thuật. Còn số khách quốc tế nhập cảnh để đi du lịch chỉ đạt 10.826 người trong tháng 8.

Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) cho biết, từ ngày 16- 30/9 đã có 11.701 người đăng ký đến Nhật Bản với mục đích du lịch. Đồng thời tính tới ngày 15/9, số khách du lịch quốc tế đăng ký nhập cảnh tháng 10 là 27.883 người và tháng 11 là 8.007 người.

Trong đó, theo JNTO, chiếm số lượng lớn nhất là khách Hàn Quốc, tiếp theo là Thái Lan và Mỹ. Riêng trong tháng 8, khách Việt Nam chiếm số lượng đông nhất với khoảng 33.000 người. Tiếp theo là khách Hàn Quốc với 28.500 người và Mỹ là 15.800 người. Theo chiều ngược lại, số người Nhật Bản ra nước ngoài trong tháng 8 là 386.400 người – cao gấp 5,9 lần so với 1 năm trước đó, nhưng vẫn giảm 81,7% so với cùng tháng năm 2019.

Nguồn: Từ danviet.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *