Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp, Bộ trưởng Suzuki cho biết hai bên đã thảo luận về sự mất giá nhanh của đồng yên và nhất trí sẽ liên lạc chặt chẽ về các diễn biến trên thị trường tiền tệ.
Trước đó, trong cuộc gặp ở Tokyo vào cuối tháng Ba, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda và quyền Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Andy Baukol đã nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ về các diễn biến trên thị trường tiền tệ.
Đồng yên đã bắt đầu rớt giá so với đồng USD vào đầu tháng Ba năm nay. Tỷ giá giữa hai đồng tiền đã phá mốc 120 yên/USD lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua. Sau đó, đồng bản tệ của Nhật Bản tiếp tục mất giá nhanh và giảm còn khoảng 129 yen/USD vào ngày 20/4.
Nguyên nhân chủ yếu khiến cho đồng yên mất giá mạnh là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách về chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản với Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất để đối phó với lạm phát, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Theo giới phân tích, mặc dù đồng yên yếu sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu và tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu, nhưng nó lại làm gia tăng chi phí của các công ty nhập khẩu và áp lực lạm phát ở trong nước, từ đó tác động tiêu cực tới chi tiêu dùng cá nhân.
Điều đó khiến không ít nhà đầu tư lo ngại về khả năng Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng vừa suy thoái, vừa lạm phát.
Thông tin từ TTXVN tại Tokyo.